Định hướng một số nội dung công tác tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ tháng 8/2022

Tài liệu cung cấp phục vụ trong kỳ sinh hoạt lệ chi bộ tháng 8/2022. Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối định hướng một số nội dung gửi các đồng chí nghiên cứu tập trung tuyên truyền như sau:

I- Quán triệt, tuyên truyền những điểm mới trong văn bản của Đảng

1. Những điểm mới trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (thay cho Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. (Nội dung văn bản đã được gửi qua đồng chí Bí thư cấp ủy dự nghe quán triệt triển khai tại hội nghị cán bộ chủ chốt ngày 05/8/2022 do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tổ chức)

BBT: Xin giới thiệu sơ lược nội dung: Quy định 22 có tên gọi ngắn gọn, thể hiện nội dung toàn diện, bao quát các nguyên tắc, quan điểm, chức năng lãnh đạo, các quy định, cách thức thể hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Kế cấu và bố cục phù hợp với thể loại văn bản quy định của Đảng. Quy định 22 gồm 07 Chương, 36 Điều, được sắp xếp hệ thống, logic, khoa học, chặt chẽ, dễ tìm kiếm, làm căn cứ để thực hiện.

+ Chương I (Quy định chung) gồm 03 điều (từ điều 01 đến điều 03)

+ Chương II (Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng) gồm 05 điều (từ điều 04 đến điều 08)

+ Chương III (Thi hành kỷ luật trong Đảng) gồm 10 điều (từ điều 09 đến điều 18)

+ Chương IV (Giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên) gồm 03 điều (từ điều 19 đến điều 21)

+ Chương V (Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng) gồm 06 điều (từ điều 22 đến điều 27)

+ Chương VI (Đình chỉ sinh hoạt Đảng) gồm 06 điều (từ điều 28 đến điều 33)

+ Chương VII (Tổ chức thực hiện) gồm 03 điều (từ điều 34 đến điều 36)

2. Ngày 06/7/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, của Bộ Chính trị khóa XII. 

Đây là Quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay; nội dung Quy định được hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội. Các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được đặt thống nhất trong một quy định để xác định cụ thể các hành vi và chế tài xử lý làm căn cứ để kỷ luật.

Tên gọi của Quy định số 69-QĐ/TW được điều chỉnh ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung công tác kỷ luật của Đảng, vừa đảm bảo nội dung toàn diện, bao quát, vừa đảm bảo nguyên tắt kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xác định trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi kỷ luật đảng viên phải kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm và dễ tra cứu, dễ thực hiện. Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị gồm 04 Chương, 58 Điều (nội dung văn bản đã được gửi qua đồng chí Bí thư cấp ủy dự quán triệt triển khai tại hội nghị cán bộ chủ chốt ngày 05/8/2022 do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tổ chức)     

+ Chương I (Quy định chung) gồm 07 điều (từ điều 01 đến điều 07)

+ Chương II (Kỷ luật tổ chức đảng) gồm 17 điều (từ điều 8 đến điều 24)

+ Chương III (Kỷ luậtđảng viên vi phạm) gồm 32 điều (từ điều 25 đến điều 56)

+ Chương IV (Điều khoản thi hành) gồm 02 điều (từ điều 57 đến điều 58)

II- Tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên về cuốn sách tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

Thực hiện Kế hoạch số 73-KH/ĐUK, ngày 10/8/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

BBT: Xin cung cấp một số thông tin nhằm giúp cấp ủy có tài liệu nghiên cứu, triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên hiểu sâu sắc hơn nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm thể hiện tính kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời tiếp thu, bổ sung một cách sáng tạo, có chọn lọc, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ “những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

- Cuốn sách lựa chọn 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng. Nội dung các bài viết, bài phát biểu thể hiện tầm cao lý luận, bàn về những vấn đề lý luận rất rộng nhưng cách trình bày lại rất dung dị, chắt lọc, tổng kết thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để chứng minh, thuyết phục. Do vậy, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư đều có sức cảm hóa, lan tỏa đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…Đồng thời cũng giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động để phấn đấu hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển ngày càng phồn vinh và hạnh phúc, vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Cuốn sách được chia làm ba phần chính:

+ Phần thứ nhất in toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ngày 15/5/2021.

+ Phần thứ hai chọn lọc những ý kiến, đánh giá tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng, miền của Tổ quốc về bài viết của Tổng Bí thư.

+ Phần thứ ba gồm các bài trao đổi, phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, các đồng chí, bạn bè quốc tế, các chính đảng,... về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

        (Nội dung tác phẩm xin tham khảo thêm tại đường Link bản sách điện tử, https://thuviencoso.vn/ViewBook.aspx?eid=617)

III. Tuyên truyền một số thông tin nổi bật (theo định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)

1. Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.

          BBT: Xin lược ghi bài viết của đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhằm cung cấp cho các đồng chí thêm thông tin tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên.

Chặng đường 60 năm vẻ vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Cùng cháy bỏng khát vọng độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của hai nước đã chung tay gây dựng, gìn giữ và dày công vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết gắn bó chặt chẽ và liên minh chiến đấu của cách mạng hai nước. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân, liên quân Việt Nam - Lào chung chiến hào, vượt qua bao gian khổ để đưa sự nghiệp kháng chiến của cả hai nước đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu.

Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào được ký kết - một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng hai nước, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất, quân đội và nhân dân Việt Nam - Lào đã dành cho nhau sự chia sẻ sâu sắc và to lớn về vật chất lẫn tinh thần, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” để viết tiếp bản anh hùng ca bất tử về tình đoàn kết chiến đấu. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ và sát cánh chiến đấu cùng quân đội và nhân dân Lào. Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã hết lòng hết sức hỗ trợ Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Sự giúp đỡ lẫn nhau vô cùng to lớn và cao đẹp đó đã trở thành sức mạnh vô song, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Sau khi hòa bình lập lại, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977, là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai bên không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam - Lào trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một dấu mốc vô cùng quan trọng đối với cách mạng hai nước, khẳng định trên nền tảng vững chắc của tình đoàn kết và hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân hai nước, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện qua hàng chục năm sát cánh chiến đấu giành độc lập, tự do. Hai nước Việt Nam và Lào nguyện hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau với tình cảm vô tư, trong sáng để cùng nhau bảo vệ độc lập, hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của mỗi nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó quan hệ Việt Nam - Lào không ngừng phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai nước ngày càng gắn bó, tin cậy, là nền tảng vững chắc định hướng cho hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương hai nước được duy trì thường xuyên. Hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào ngày càng thực chất và hiệu quả. Giao lưu giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân của hai nước ngày càng sôi động, phong phú. Nhiều dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như, công trình Nhà Quốc hội mới của Lào khánh thành vào năm 2021 - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những biểu tượng của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới.

 Hiện nay Việt Nam và Lào hợp tác trên nhiều lĩnh vực (quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa - xã hội,…) Không chỉ hợp tác toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trong khuôn khổ song phương, tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào còn được khẳng định trên bình diện đa phương.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 60 năm qua, Việt Nam và Lào luôn tự hào về mối quan hệ đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai nước. Đó là mối quan hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đó là mối quan hệ xuất phát từ tình đồng chí thủy chung giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn sát cánh bên nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước ngày nay. Đó cũng là mối quan hệ đáp ứng nguyện vọng chung tha thiết của nhân dân hai nước về tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần nhân văn “giúp bạn là tự giúp mình”, hợp tác hữu nghị, bình đẳng và cùng có lợi. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng và hai nước đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới như Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định, trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy.

Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 5-9-1962 - 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (ngày 18-7-1977 - 18-7-2022), nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa thiết thực với nội dung sâu sắc và có sức lan tỏa sâu rộng đã, đang và sẽ được tổ chức ở cả hai nước trong Năm “Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”. Những hoạt động này không chỉ tôn vinh sự vĩ đại của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, mà còn tri ân công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân và dân hai nước đã gây dựng, gìn giữ và phát triển quan hệ Việt Nam - Lào trong suốt nhiều thập niên qua, đồng thời góp phần quan trọng tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước, từ đó tiếp thêm niềm tự hào và quyết tâm bảo vệ, gìn giữ và phát triển mối quan hệ thiêng liêng và vô giá này.

Nâng tầm hợp tác toàn diện, cùng xây dựng tương lai tươi sáng của hai dân tộc Việt Nam và Lào (xin giới thiệu kỳ sau)

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023

Ngày 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2022.

Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2023 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2023.

Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30 tháng 6 năm 2023. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31 tháng 7 năm 2023.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong trường hợp ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian tựu trường và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định tại Quyết định để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các trường hợp đặc biệt phát sinh khác, báo cáo Bộ GDĐT trước khi thực hiện.

Giám đốc Sở GDĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

  * Tại Tỉnh Trà Vinh: Ngày 12/8/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà vinh ký Quyết định số 1645/QĐ-UBND về Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (đính kèm Kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 của các cấp học).

BBT: Xin lược trích khung thời gian như sau:

Khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phố thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:

1. Ngày tựu trường, ngày khai giảng; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ I; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ II; ngày kết thúc năm học.

1.1. Ngày tựu trường:

- Cấp tiểu học: Từ ngày 22/8/2022 đến ngày 02/9/2022.

- Các cấp học còn lại: Từ ngày 29/8/2022 đến ngày 02/9/2022.

1.2. Ngày khai giảng: Ngày 05/9/2022.

1.3. Ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ I:

- Giáo dục mầm non: Từ ngày 05/9/2022 đến ngày 06/01/2023.

- Giáo dục phổ thông: Từ ngày 05/9/2022 đến ngày 07/01/2023.

- Giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông):

+ Đối với các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông: Từ ngày 05/9/2022 đến ngày 31/12/2022.

+ Đối với các lớp 6, lớp 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông: Từ ngày 05/9/2022 đến ngày 07/01/2023.

1.4. Ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ II:

- Giáo dục mầm non: Từ ngày 09/01/2023 đến ngày 19/5/2023.

- Giáo dục phổ thông: Từ ngày 09/01/2023 đến ngày 20/5/2023.

- Giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông):

+ Đối với các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông: Từ ngày 02/01/2023 đến ngày 13/5/2023.

+ Đối với các lớp 6, lớp 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông: Từ ngày 09/01/2023 đến ngày 20/5/2023.

1.5. Ngày kết thúc năm học: Trước ngày 31/5/2023.

2. Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi, ngày xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, ngày xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở:

- Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Ngày thi học sinh giỏi cấp tỉnh; thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh: Thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2023.

3. Ngày hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024: Trước ngày 31/7/2023.

4. Các ngày nghỉ lễ, tết: Nghỉ lễ theo Bộ luật Lao động, nghỉ tết Nguyên đán 02 tuần từ ngày 16/01/2023 đến ngày 28/01/2023.

5. Thời gian nghĩ phép năm đối với giáo viên: Được thực hiện trong thòi gian nghỉ hè hoặc có thể bố trí nghỉ xen kẽ vào thời gian khác trong năm để đảm bảo nội dung chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học.

IV- Tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm

1. Kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022)

- Tuyên truyền bối cảnh, diễn biến, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám; khẳng định tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

- Tuyên truyền những thành quả to lớn mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong 77 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhấn mạnh thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

- Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu to lớn của đất nước gần tám thập kỷ qua, nhất là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay; nêu bật công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự giúp đỡ quý báo của bạn bè quốc tế trong các giai đoạn cách mạng.  

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh; đề cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Trà Vinh quyết tâm xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng phát triển, tạo bức phá để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh là phấn đấu để Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

- Tăng cường, tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (07/8/1912 - 07/8/2022), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước)

- Tuyên truyền về cuộc đời, hoạt động cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nêu bật vai trò, đóng góp của đồng chí trong việc tham mưu ban hành những quyết sách mới trong công cuộc xây dựng đất nước, như tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV ra chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 về cải cách công tác khoán, mở rộng, khoán sản phẩm đến nhóm, người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, để tháo gỡ sự trì trệ trong nông nghiệp, tạo ra luồng gió mới trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới.

- Những phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí Võ Chí Công – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta; người chiến sỹ cách mạng kiên cường; là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; luôn gần gũi, quý trọng Nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết.

  (Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối đã gửi đề cương tuyên truyền qau hệ thống ioffice của các chi bộ, đảng bộ cơ sở)

7- Triển khai quán triệt một số văn bản chỉ đạo

          1. Công văn số 444-CV/TU, ngày 22/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (nội dung đăng trên quyển thông tin công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tháng 8/2022)

2. Công văn số 450-CV/TU, ngày 25/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. (nội dung Văn phòng đã gửi qua hệ thống ioffice)

3. Kế hoạch số 73-KH/ĐUK, ngày 10/8/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (văn phòng Đảng ủy Khối đã gửi cho cấp ủy cơ sở)

4. Cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở tiếp tục quán triệt trong cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt trong cán bộ, đảng viên đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nội dung tháng 8/2022. (theo tinh thần Kế hoạch số 60-KH/ĐUK, ngày 18/4/2022 của BTV Đảng ủy Khối. Các nội dung văn bản quán triệt được đăng trên Trang thông tin điện tử Đảng ủy Khối, tháng 6/2022)

          * Lưu ý: Tùy vào tình hình thực tế và thời gian tổ chức cuộc họp, đề nghị các đồng chí nghiên cứu hình thức triển khai cho phù hợp.

 

                                                                                                                                     BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP

VĂN BẢN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 1 144
  • Tất cả: 750929